Mưa và em
Tôi không biết thật sự phải diễn giải thế nào về sự vụ mấy ngày nay, chính xác hơn là từ tối hôm Chủ Nhật vừa rồi cho đến bây giờ, từ lúc Uyển My rời đi và bà dì Hạnh của tôi xuất hiện trám vào thì rắc rối cứ phải gọi là liên tùng tục đấm mạnh vào mặt của tôi đến nỗi không còn thấy được ánh sáng mặt trời nữa. Ngày tôi và Uyển My ở bên nhau, ngoài những sự kiện bất đắc dĩ mà chúng tôi không thể nào phản kháng thì tuyệt nhiên tôi không bao giờ làm nàng phải cảm thấy tức giận quá lâu cũng như không bao giờ có ý nghĩ sẽ léng phéng với bất cứ người con gái nào khác để nàng nổi cơn tam bành. Cơ mà hôm nay, dù chỉ là một chút ít thời gian bên cạnh dì Hạnh, dù rằng hai dì cháu tôi thực sự hoàn toàn trong sáng, thế nhưng, với một người không có mặt ở hiện trường như Uyển My, rõ ràng nàng chỉ tin vào những chứng cứ đang xảy ra. Và oái oăm làm sao, tối hôm qua, tôi không nghe điện thoại của nàng, thì cũng là lúc tôi đang bận đưa dì Hạnh đi mua sắm đồ đạc, và rồi thì trưa nay, tôi cũng mải lo ngủ, rồi lúc dậy cũng chẳng buồn mở mắt kiểm tra xem điện thoại có thông báo nào không mà chỉ chăm chăm lo… bảo vệ dì Hạnh trước màn tấn công vồ vập của thằng Đức trời đánh. Công bằng mà nói nếu Uyển My nhìn thấy hết những sự vụ này ở góc nhìn toàn cảnh, nàng vẫn hoàn toàn đủ nguyên nhân và lý do để giận tôi một trận ra trò vì đã bỏ bê nàng trong suốt những khoảng thời gian ấy. Và rồi thì xui rủi làm sao, những lúc đó, đều có liên quan trực tiếp đến bà dì trẻ của tôi:
– Uyển… Uyển My gọi em hả Quyên? – Mồ hôi mồ kê vã ra như tắm, tôi lắp bắp… – Ừm, chị gọi anh không được nên hỏi em thôi, mà dì anh hả? – Nàng hướng mắt về dì Hạnh… – Sao… sao em biết? – Tôi lại càng run hơn nữa… – Thì anh đoán xem tại sao?
Ái Quyên vừa nói, tay nàng vừa chỉ vào chiếc điện thoại bên cạnh:
– Nghe đi nè! – Ừ… ừ… để… để anh!
Tôi hồi hộp đưa tay nhận lấy điện thoại từ tay Ái Quyên và run rẩy mở lời:
– Uyển My… Uyển My ơi, anh… anh đây! – Phong? – Ừ… ừ… anh xin lỗ… – Tít tít…
Và lại một lần nữa, tôi chẳng nhận được bất cứ lời hồi đáp nào từ tiểu thư nhà tôi vì ngay sau khi nhận ra giọng của tôi, nàng đã lại lạnh lùng và nhẫn tâm cúp máy cái rụp, chẳng cho tôi có một tí ti cơ hội giải thích cũng như chia sẻ:
– Hic, trả em nè, cúp máy rồi! – Đáng đời ông, cái đồ… hư hỏng! – Ái Quyên nheo mắt nhìn tôi, nàng cười khúc khích… – Vui quá hả mà cười?
Tôi uể oải ngồi phịch xuống đất, quên mất tiêu luôn dì Hạnh đang lóng ngóng chờ đợi màn giới thiệu của tôi với mấy người bạn thân. Ái Quyên thì có vẻ cũng chẳng quan tâm lắm, nàng vẫn mải mê làm bạn với chiếc máy ảnh của mình, chốc chốc lại trầm ngâm suy tư lựa góc để tiếp tục tác nghiệp. Trong lúc tôi còn đang mệt mỏi ngắm trời mây, thằng Đức sau khi gửi xe đã hồ hởi chạy tới kéo thực tại trở lại với tôi:
– Ủa chị Hạnh, chị ngồi đây đi, ngồi sau em chứ không trái banh văng trúng mặt! – Ừa, chị cảm ơn nha.
Dì Hạnh là một người luôn tỏa ra một ra năng lượng tích cực, hiếm thấy ai nói chuyện với dì mà không thích cái tính cách ấy. Hiền lành, dễ gần và nói chuyện phải gọi là ngọt hơn mía lùi, chắc phần nhiều cũng vì cái chất giọng của dì, bổ sung thêm nhiều gia vị càng khiến bà ấy trở nên thu hút hơn. Hôm nay trời khá nắng, cũng may là khu vực sân bóng của tụi tôi có mái che nên cũng giảm bớt được đôi chút. Thi thoảng nóng quá thì người ta sẽ mở cái vòi xịt gắn ở trên cao khiến nước văng tung tóe làm mát cho sân cỏ cũng như cho các cầu thủ đang miệt mài thi đấu. Hệ thống nước của sân bóng này thì tôi khá chắc là đã tồn tại được 8 tỷ năm có lẻ rồi hay gì mà nó phun yếu như súng nước hết nước vậy, cứ rỉ từng giọt, thậm chí còn chẳng phun thành tia được như ban đầu nữa. Nhận thấy chỗ ngồi ban đầu hơi nắng, tôi vội chạy ra phía ngoài lấy cái mũ snapback ngầu lòi mà tôi luôn cất trong cốp xe ra đưa cho dì Hạnh, ngộ nhỡ bà ấy bị gì mẹ tôi lại mắng:
– Dì đội cái này vào đi, nắng kìa, mất công bệnh nữa!
Dì Hạnh nhìn tôi, cười tươi:
– Hì hì, cảm ơn Phong nha, dì không sao – Bà ấy khoát tay từ chối… – Sao dì bướng thế, đội vào đi, không là con chở dì về đấy! – Ừa, dị đưa đây, thế cũng nạt người ta…
Đưa bà dì Hạnh đi chơi, cơ mà sao tự dưng tôi thấy mình giống như đang trông trẻ vậy nhỉ? Người gì đâu mà hơn 30 tuổi rồi vẫn cứ hồn nhiên vô tư như con nít thế này, bảo sao mà mấy anh không chết mê chết mệt. Tôi cũng phải đính chính lại một chút là tôi không có mê bà ấy đâu nhé, dĩ nhiên là cũng có đôi phần mến dì Hạnh vì cái tính tình của bà ấy rất dễ thương, hiền dịu lại ngọt ngào, lâu lâu còn cười tít mắt giống Uyển My nữa, vậy nên tôi cũng có đôi chút xao động. Dù rằng nếu tôi và dì Hạnh có xảy ra chuyện gì vượt quá giới hạn thì cũng chẳng sao, chỉ là tôi sẽ không bao giờ để chuyện như vậy xảy ra, vì tôi đã hứa với Uyển My rồi, tôi sẽ đợi nàng chở về mà:
– Dì ngồi đó chơi ha, con ra đá à. – Okay, cố lên, hihi. – Đức canh dì giúp tao nha, coi chừng banh văng trúng người bả. – Oke bạn yêu, bạn cứ đi đi, hehe.
Đội bóng lớp tôi thì có khoảng hơn chục mạng, mà thi đấu sân 5, thành ra thay ra thay vào liên tục để cho đỡ mất sức. Vậy nên, mặc dù tôi có là ngòi nổ hạt nhân của team đi chăng nữa thì đá được tầm 5 – 10 phút cũng sẽ có thằng đứng bên ngoài gân cổ lên đuổi tôi ra khỏi sân vì lý do đá quá lâu mà thôi. Công nhận ngày còn trẻ khỏe vui thật, vì khi đó thằng nào cũng muốn thi đấu, cũng muốn thể hiện, sẵn lấy le với các bạn gái, còn bây giờ, ở thời điểm tôi ngồi gõ từng dòng chữ này, mỗi lần ra sân bóng chẳng khác nào một cực hình vì thằng nào cũng đùn đẩy trọng trách thi đấu, lý do quan trọng nhất là cơ thể đã nặng nề hơn rất nhiều, không thể chạy hùng hục như ngày trước được nữa.
Lớp của Thanh Ngân có vẻ trình độ nhỉnh hơn lớp tôi chút xíu, nhìn tụi nó ban bật qua lại là biết tụi này đã chơi với nhau khá lâu, thành ra những đường bóng tỏ ra sáng nước hơn hẳn, đã vậy kỹ năng cá nhân của tụi này cũng ở mức khá, nó gặt qua mấy thằng cầu thủ bên tôi một cách dễ dàng. Tuy vậy thì bọn này bị cái là thể lực yếu như ốc sên, tụi nó quần thảo được tầm 15p là thằng nào thằng nấy thở hồng hộc rồi, chẳng hiểu làm sao, đúng là không có ai hoàn hảo. Với lợi thế về thể lực, lớp bọn tôi cũng chớp thời cơ giã gạo được vài quả làm vốn trong khi trước đó nhận lại cũng không ít bàn thua. Sau khoảng 20p chơi bóng trên sân với khá nhiều đường chuyền dọn cỗ và 1 bàn thắng ngọt lịm, tôi quyết định ra ngoài sân giải lao để thằng Đức vào thay thế. Chẳng biết nó nói nhăng cuội gì với dì Hạnh mà bà ấy cười tít cả mắt, dù rằng cả hai vẫn hướng ánh nhìn vào sân:
– Ê, Đức, đá mày, tao hết thở rồi! – Không, ráng đi, tao đang bận!
Nó xua tay đuổi tôi đi, áng chừng chỉ muốn ngồi thật lâu bên bà dì của tôi mà thôi:
– Biến, tính tán tỉnh dì tao à? Có cút không?
Tôi giơ nắm đấm ra trước mặt thằng Đức, cơ mà thằng này đúng là điếc không sợ súng, nó chẳng biểu hiện gì cụ thể cả, vẫn chăm chú lắng nghe dì Hạnh kể chuyện gì đó:
– Dì, đứng dậy đi! – Ơ, sao vậy? – Dì Hạnh ngơ ngác…
Nhất thời manh động, tôi kéo tay dì Hạnh đứng dậy, xa khỏi tầm ngắm của thằng Đức:
– Để con đưa dì về! – Đang vui mà. – Vui gì vui, dì ngồi đây thằng này nó không chịu vào thay người nè, con mệt xỉu rồi!
Thằng Đức thì không quan tâm đến lời tôi nói, nó chỉ mải ngắm dì Hạnh:
– Để em đưa chị Hạnh về nhé, hehe. – Thằng bệnh hoạn, tránh xa dì tao ra nghe chưa?
Lần này thì không để cho nó có cơ hội ngó lơ, tôi tung chân vung thẳng vào mông thằng Đức khiến nó la lên oai oái còn dì Hạnh thì kéo tôi lại ngăn cản vì nghĩ tôi đang bực mình thật:
– Thôi mà Phong, để dì về là được chứ gì. – Ai bảo dì về? – Phong nói chứ ai? – Bà ấy ngơ ngác… – Con nói đùa cho thằng này nó giải tán thôi, chứ con còn ở lại chơi mà. – Vậy hở? Ừ, cũng được, hì hì.
Giải quyết dì Hạnh xong xuôi, tôi quay sang đuổi thằng Đức đi chỗ khác:
– Ra sân đê, đừng để tao điên lên! – Mẹ, tối cho tối số chị Hạnh nha mày, Facebook đồ luôn! – Rồi rồi, cứ ra đi rồi tối có hết! – Oke, nhớ đấy, mày cứ ngồi nghỉ, tao đá hết giờ luôn cho.
Được buff tinh thần từ dì Hạnh, thằng Đức hùng hổ lao vào sân cày xới hết tụi lớp bên. Gì chứ riêng việc tắc bóng, lấy lại bóng cũng như ủi vai, huých người, thằng Đức so với tôi chỉ có hơn chứ không thua kém chút nào. Dù rằng tôi cao hơn nó, nhưng thằng Đức lại có phần thân trên khá rắn chắc, thành ra nó đẩy người, tì đè rất mạnh, hiếm thấy có thằng nào tranh chấp tay đôi thắng được thằng Đức, chỉ trừ mấy thằng quá to con thì không nói làm gì. Vậy nên, khi thằng Đức vào sân, đội chúng tôi đã có bóng mà tấn công liên tục, ghi bàn sòn sòn.
Mà thôi tạm bỏ qua sự vụ bên trong sân bóng, vì điều quan trọng vẫn là những thứ đang diễn ra ở ngoài đường biên lúc này. Tôi thật sự chẳng hiểu vì sao mà ban nãy tôi dám cả gan bỏ qua luôn việc Uyển My đang giận dỗi mà lao thẳng vào sân đá đấm như chưa từng có chuyện gì xảy ra. Ừ thì rõ ràng là Uyển My cúp máy trước, nhưng điều đó đâu có nghĩa là tôi được phép… bỏ qua những gì đang xảy ra với nàng. Bây giờ ở bên đó mới chỉ khoảng 4h sáng, vậy mà Uyển My đã dậy sớm nhắn tin, gọi điện hỏi thăm tôi, dù rằng tối ngày hôm qua, tôi mới là người gây ra lỗi lầm trước tiên, ấy vậy mà tôi nỡ lòng nào hành xử một cách vô tâm và hời hợt như vậy, bị nàng giận cũng là đáng đời tôi lắm. Uyển My mới chỉ đi có chưa được 2 ngày mà tôi thấy đã quá trời nhiều những rắc rối xảy ra rồi, chẳng biết bọn tôi có chân cứng đá mềm, vững dạ một lòng sắt son được 2 năm nữa hay không.
Tôi ngồi phịch xuống cạnh dì Hạnh, thở dài ngao ngán nhìn ra phía sân bóng, nơi tụi bạn đang chơi bóng rất vui vẻ, nhưng tâm trạng tôi lúc này thì không thể nào mà vui nổi. Thấy tôi ngồi gần dì Hạnh, dường như Ái Quyên cũng tỏ ra không mấy mặn mà với việc an ủi tôi, nàng vẫn mải mê chụp ảnh rồi trò chuyện bâng quơ với tụi thằng Linh, nhỏ Ngân:
– Sao đó Phong? – Dì có hay giận người khác không? – Có, cũng thỉnh thoảng, mà sao dị? – Uyển My gọi điện, con không nghe máy, nhắn tin cũng không trả lời luôn, giận con luôn rồi!
Dì Hạnh gật gù tỏ vẻ cảm thông:
– Bạn gái Phong đó hả? – Dạ, vợ… tương lai của con đó. – Dữ vậy sao? – Dì Hạnh cười tít mắt, lại giống Uyển My rồi… – Dì vui dữ hen? – Dì xin lỗi, không cố ý mà.
Tôi thì hồi nào giờ cũng ít khi để bụng lắm, mặc dù chuyện này cũng có thể nói là có liên quan đến dì Hạnh, nhưng tuyệt nhiên không phải lỗi của dì, căn bản là tại tôi cũng đã hơi vô tâm với Uyển My:
– Mà bé My ở đâu? – Ở… bên Mỹ đó dì. – Sao vậy? – Dì Hạnh tròn xoe mắt ngạc nhiên… – Dài dòng lắm, để con kể gì nghe…
Vậy là thay vì tập trung vào trận đấu giữa hai lớp, bỏ qua luôn việc giải thích hay gọi điện xin lỗi Uyển My, tôi lại ngồi ngay ngắn, đường hoàng mà kể vanh vách cho dì Hạnh nghe những cái thứ gì gọi là thiên tình sử của tôi, lâm ly bi đát nhất, đớn đau khổ nạn nhất, tôi đều tiết lộ hết, những mong nhận được sự đồng cảm cũng như là lời khuyên hữu ích từ dì Hạnh, dù sao dì cũng là người từng trải, là người đi trước, ắt hẳn sẽ có những góc nhìn khác hơn về chuyện của hai đứa tụi tôi:
– Ò, dì hiểu gòi, à, hiểu rồi. Khổ thân hai đứa… – Quá khổ luôn dì ơi, giờ sao? – Sao gì chứ? – Dì chỉ con cách làm hòa đi, hôm qua đến nay 2 lần rồi đó – Tôi thở dài ngao ngán…
Dì Hạnh đăm chiêu hồi lâu, rồi dì nhìn tôi, thành thật:
– Yêu xa thật sự rất khó, rất mệt mỏi đó Phong. Dì cũng từng có một mối tình yêu xa, chỉ là không xa như hai đứa, nhưng ít nhiều thì cũng cả nghìn cây số, trắc trở dữ lắm. – Con biết mà, nhưng bọn con bất đắc dĩ thôi. – Dì nói Phong nghe nè, quan trọng nhất là hai đứa phải tin tưởng nhau, với lại phải biết giữ mình, hiểu không? – Con hiểu mà, nhưng cứ giận nhau hoài kiểu này con cũng sợ… 2 năm nữa… haizzz… – Không sao đâu, bé My hơi nhạy cảm quá mức thôi, chắc con bé thương Phong lắm, hì hì.
Mặc cho những gì mà tôi đau buồn chia sẻ, dì Hạnh vẫn có những cái nhìn tích cực hơn, dù rằng không biết là sự tích cực đó có thật sự giúp ích cho tôi ngay lúc này hay không, vì tôi chưa tìm thấy lối ra nào trong cái mê cung này cả:
– Giờ bên đó chắc còn sớm, Phong cố gắng đợi đến tối đi rồi gọi điện nói chuyện, nhớ chú ý điện thoại lỡ bé My gọi về nha. – Chắc không dì, sao con thấy hên xui quá? – Chỉ còn cách đó thôi, Phong phải thành thật với My, đừng giấu gì cả. – Mà dì nghĩ tụi con tách nhau ra vậy có đúng không, sao con thấy lo quá?
Trái ngược hẳn với sự tích cực bên ngoài, qua lời nói của dì Hạnh, tôi có thể cảm nhận được khá rõ những gì mà dì đã từng phải trải qua, hẳn là nó không dễ dàng và dì cũng phải chịu khổ đau rất nhiều lần rồi:
– Dì nghĩ hai đứa rất can đảm, dì ghen tị đó. Ngày xưa người ta với dì cũng muốn tiến tới, nhưng mà vì khoảng cách xa quá, anh ấy hẹn dì 1 năm để sắp xếp mọi việc rồi sau đó sẽ đón dì về nhà anh ấy. – … – Nhưng mà Phong biết không, lúc đó, dì rất sợ, dì không chịu, dì chỉ muốn làm đám cưới ngay thôi. Rồi hai bên cãi vã qua lại, dì cũng không muốn chờ đợi thêm nữa mà anh ấy thì không thể gấp gáp được, thành ra hai bên quyết định… dừng lại. – … – Đến bây giờ cũng khoảng hơn 2 năm rồi, nghĩ lại dì thấy mình cũng ngốc thiệt, nếu mà ráng đợi thêm 1 năm chắc bây giờ mọi thứ khác hẳn rồi, Phong nhỉ? – …
Dì Hạnh nhìn tôi, dì vẫn cười, nhưng trong ánh mắt đã ngân lên những dòng lệ long lanh. Bởi vậy mới nói, mỗi con người sống trên cuộc đời này, đâu phải ai cũng vẹn toàn, đâu phải ai cũng trải hoa hồng trên đường đời. Thế nên, đừng nhìn vào vẻ bề ngoài luôn tươi cười rồi vội vàng đánh giá người ta có cuộc sống sung sướng, hạnh phúc, bạn chẳng thể biết để đạt được niềm hạnh phúc ấy, người ta đã phải hy sinh, đánh đổi những gì đâu. Dì Hạnh của tôi là một ví dụ, dù rằng cho đến lúc này, dì chưa thực sự tìm thấy những điều mà dì mong ước, nhưng sự tích cực của dì cũng là một thứ mà dì đã trui rèn được trong suốt những ngày tháng đau khổ, dằn vặt nhất của cuộc đời. Làm gì có ai đi được qua đau thương mà tâm hồn vẫn còn vẹn nguyên được đâu, phải chứ?
Và có lẽ cho đến thời điểm này, khi nghe được những lời khuyên chân thành và từ tận đáy lòng của dì Hạnh, tôi thực sự hiểu ra rằng, có lẽ, mình đã nghĩ quá nhiều rồi, rằng dì thực sự chỉ xem tôi là một đứa cháu bé bỏng, một thằng em trai đáng yêu mà thôi, ngoài ra chẳng có gì hơn nữa, chỉ là cái đầu óc ngu muội của tôi có vẻ như đã đang ngộ nhận thứ tình cảm trong sáng ấy, theo một cách không thể nào chấp nhận được:
– Thôi dì đừng buồn, tối con dẫn dì đi chơi hen? – Tôi xoa đầu dì, thiệt kỳ cục quá mức… – Thôi đi ông ơi, chuyện mình còn lo chưa xong mà lo gì cho tui, ở nhà nói chuyện với bé My đi. – Ờ… quên mất, dì không nói con quên thật luôn rồi. Vậy mai nhé dì, mai dẫn dì đi ăn mấy chỗ. – Ừa, lúc nào cũng được, hì hì.
Người ta vẫn nói, rằng không ai sống trên đời này mà không cần đến những người xung quanh. Dù rằng không phải lúc nào bạn cũng cần sự giúp đỡ của ai đó, nhưng cũng chẳng có gì đảm bảo rằng, trong những giây phút ngặt nghèo nhất, bạn có thể tự mình gánh vác hết mọi thứ mà không cần sự hỗ trợ của những người thương yêu.
Cuộc trò chuyện của tôi và dì Hạnh cũng đến hồi kết thúc khi tiếng chuông báo hiệu hết giờ vang lên. Nếu những ai đã từng đi đá bóng ở sân cỏ nhân tạo thì chắc cũng chẳng còn lạ gì với tiêng chuông này. Thông thường thì mỗi sân sẽ được thuê trong vòng 1 tiếng đồng hồ, và cứ hết 1 tiếng đó thì chủ sân sẽ bấm chuông ở phía ngoài để giải tán các cầu thủ hiện tại ra, nhường chỗ cho một lứa cầu thủ khác tiếp quản sân bóng. Ban nãy vào sân, thực lòng mà nói ngoài việc sút ầm ầm rồi kiến tạo như mưa ra thì tôi cũng quên béng đi mất tỷ số trận đấu là bao nhiêu, chỉ biết rằng ngay khi chuông kết thúc vang lên, đám lớp tôi đã hò reo như bắt được vàng để ăn mừng chiến thắng:
– Hú hú, ăn rồi… ăn rồi… mày ơi, được kèo… phù… kèo tiền sân với tiền nước, haha.
Thằng Đức thở hổn hển, chạy về phía tôi và dì Hạnh cười tươi:
– Thắng à? – Ơ, thằng chó này, mày không xem bọn bố đá à? – Ờ… không, tao tưởng thua chục trái rồi nên… ngồi nói chuyện. – Mẹ, cầu thủ kiểu này hèn gì đội không ngóc đầu dậy được. Thôi, ra uống nước đi, chị Hạnh ra với tụi em nhe! – Nó cười đểu giả… – Ừm, hì hì, chị ra luôn nè. – Vậy dì ra ngồi uống nước trước nhen, con ra đây nói chuyện với bạn chút, lát con ra ha? – Ừm, okay.
Tạm thời tôi đành cắn răng để thằng Đức đưa dì Hạnh ra phía ngoài ngồi chơi trong vẻ mặt vô cùng rạng rỡ của nó. Dĩ nhiên rồi, để được đích thân cung phụng người đẹp cũng đã là một ân huệ quá lớn rồi, chưa nói gì đến việc ngồi nghĩ về tương lai tươi đẹp sau này, thử hỏi thứ gì mà chịu nổi. Vì tôi có công chuyện quan trọng hơn nên thằng Đức có cơ hội được tiếp đón dì Hạnh, chứ mà tôi đang rảnh rỗi thì còn lâu nó mới có cơ may đó. Dù rằng nhìn bề ngoài cũng biết thằng này chẳng có tí cơ hội nào với dì tôi, cơ mà sao nhìn mặt nó tôi vẫn cứ thấy ghét kiểu gì ấy, chắc còn đọng lại chút… gợn từ vụ nó chơi xấu tôi và Uyển My. Nhưng thôi dù sao nó cũng đã biết hối lỗi, cải tà quy chánh, thôi thì tha cho con đường để làm lại cuộc đời. À mà tự dưng nhắc đến người đẹp mới nhớ, Uyển My bé nhỏ của tôi chẳng phải là người đẹp nhất vũ trụ rồi hay sao chứ, hic, tôi lại nhớ nàng quá đi thôi:
– Bé Quyên, làm gì đó? – Đang xem lại ảnh thôi, có gì không ông già?
Nàng đáp, mắt vẫn dán chặt vào chiếc máy ảnh:
– Sao tự nhiên Uyển My gọi cho em vậy? – Thì chị gọi anh, anh không nghe, nên chị sốt ruột gọi hỏi em… – Tội nghiệp Uyển My, tại anh ngủ hay tắt chuông điện thoại, hây dà… – Ông còn biết tội nghiệp chị tôi thì ráng mà sống cho tốt, từ giờ mở chuông điện thoại 24/24 dùm tôi, oke? – Ừa, chắc vậy quá, giờ không dám tắt nữa.
Ái Quyên lúc này đã thôi không hí hoáy với máy ảnh nữa, nàng nhìn tôi với ánh mắt đầy sự nghi hoặc:
– Khai thật đi, bà kia là gì với ông? – Dì anh thiệt mà, hic, sao không ai tin vậy? – Không thể được, ông xấu hoắc còn bà kia đẹp như vậy? – Đẹp sao bằng… em… – Ông… sao… ông…
Cái thói thích chọc ghẹo người khác đã ngấm vào từng đường gân thớ thịt của tôi, vậy nên xuất khẩu thành thơ, tôi cứ mở mồm ra là y như rằng sẽ khiến người khác lâm vào tình trạng khó xử, dù rằng đó chỉ là phản xạ nhất thời và chớp nhoáng của cơ miệng theo thói quen, mặc cho bộ não còn chưa kịp diễn biến gì cả. Nhưng nói đi thì cũng phải nói lại, nếu Uyển My là người đẹp nhất trong lòng tôi thì Ái Quyên chắc chắn sẽ là người thứ 2, vì quả thực cho đến thời điểm hiện tại tôi chưa thấy ai vượt qua được nàng về nhan sắc cũng như độ thu hút cả. Nhỏ Ngân cũng dễ thương, dì Hạnh thì đáng yêu, cơ mà cả 2 đều không bằng Ái Quyên được, thật lòng mà nói đấy:
– Anh… anh đùa đấy…
Nàng khẽ đỏ mặt, nhoẻn miệng cười:
– Khỏi giải thích đi, biết tính ông quá mà. – Dì anh thiệt đó, mà không có máu mủ thôi, dì là con nuôi của ông bà ngoại anh. – Con nuôi? – Ừa, thiệt đó. – Sao trẻ vậy, ông bà ngoại bao nhiêu tuổi? – Thật ra thì ông bà ngoại anh với ba mẹ của dì Hạnh hồi xưa thân thiết lắm, ba mẹ của dì nhỏ hơn ông bà anh một ít thôi nhưng mà hai người đó có con muộn, thành ra tuổi của dì với anh cũng không chênh lệch nhiều. – Không ruột thịt thì cũng nguy hiểm đó, hừm.
Ái Quyên trao cho tôi ánh nhìn ngờ vực, nàng lắc đầu tỏ vẻ không hài lòng:
– Trời, thôi, anh xin em đấy, Uyển My nghe được chết anh. – Vậy đó mà chị tôi gọi không thèm nghe máy, đưa dì đi chơi đồ ha, quá trời ông rồi. – Hic, anh quên mà, đay nghiến hoài. – Rồi gọi điện xin lỗi… vợ yêu chưa? – Chưa, sợ không nghe máy. – Hồi bữa bé Nhi nó nói ông ngu, giờ tôi mới tin đó. – Ê ê, xúc phạm danh dự nhé. – Không xúc phạm đâu, đó là sự thật. To gan quá mà, vợ thì giận còn lo đá banh đá bóng, xong lại còn hàn huyên tâm sự với “dì Hạnh” cả buổi.
Nàng cố ý nhấn mạnh hai từ “dì Hạnh” khiến tôi lạnh hết cả sống lưng:
– Giờ sao đây, bé Quyên, giúp anh! – Khỏi, tự gây nghiệp thì tự biết khắc phục, tôi đi về đây. Không rảnh. – Ơ… ơ… Quyên, bé Quyên! Đợi anh!
Chẳng thèm nói năng thêm nhiều lời, Ái Quyên vội vã đứng dậy bỏ đi khiến tôi phải chạy theo muốn hụt hơi. Đúng rằng tội lỗi là do tôi gây ra, tôi phải là người chịu trách nhiệm chính, cơ mà tôi cần một ít sự trợ giúp, nói đỡ từ Ái Quyên thì cơ hội làm hòa với Uyển My sẽ cao hơn, và xem chừng, lúc này đây, nàng không có tâm trạng và cũng không rảnh rỗi để hỗ trợ tôi lần nữa. Nhưng bằng tốc độ thần sau của Flash phiên bản lỗi, tôi đã dễ dàng bắt kịp được nàng. Với khuôn mặt dày tám tấc cộng thêm khả năng cà kê dê ngỗng, năn nỉ muốn gãy cả lưỡi, Ái Quyên muội muội mới động lòng phàm và hứa sẽ hạ mình nâng đỡ tôi thêm một lần nữa trước mặt Uyển My tiểu thư, chỉ hy vọng rằng sau lần này thì tôi sẽ bỏ được cái thói quen ngu ngốc là tắt chuông điện thoại lúc ngủ, nếu không thì có trời cũng không cứu được tôi thêm lần nữa.
Suốt buổi tối hôm đó, tôi hồi hộp chờ đợi tin nhắn hay cuộc gọi từ Uyển My, rằng nàng sẽ không giận dỗi gì tôi nữa. Thế nhưng tuyệt nhiên chẳng có chút động tĩnh nào. Sốt ruột quá mức, tôi cũng nhắn tin hỏi thăm Ái Quyên xem nàng có liên hệ được với Uyển My không nhưng cô bạn đáng yêu cũng đi đâu mất hút luôn, thành ra tôi chẳng còn lại chút hy vọng gì, chỉ biết ngồi im chờ đợi. Đúng 11h đêm giờ VN, tương đương 11h trưa bên Mỹ, tôi quyết định bấm máy gọi cho Uyển My. Chưa bao giờ, những tiếng tút tút trên điện thoại lại dài vô tận như vậy đối với tôi, tôi cứ chờ hoài, chờ mãi nhưng rốt cục cũng chẳng có cái quái gì xảy ra. Rõ ràng là chuông có reo, nhưng Uyển My không nhấc máy, dù rằng cách đây vài phút, tôi còn thấy nàng đã đọc tin nhắn xin lỗi của tôi từ lúc chiều. Không ngần ngại khó khăn, gian khổ, tôi tiếp tục bấm gọi cho nàng liên tùng tục, và rồi thì tất cả mọi thứ nhận lại vẫn chẳng có gì hơn ngoài “tút, tút” và “tút, tút”.
Nhất quyết không nản lòng, sau gần 20 cuộc gọi trong vô vọng thì tôi chuyển sang nhắn tin mè nheo, ỉ ôi với hàng chục những từ ngữ xúc động lay lắt tâm can nhưng lần này thì Uyển My chẳng thèm xem lấy một chữ. Nhưng thứ khiến tôi đau buồn khổ nhất không phải là việc Uyển My ngó lơ tôi, vì tôi xứng đáng bị như vậy, mà là việc… thằng Hải ngựa vừa đăng một loạt hình ảnh về việc nó và Uyển My đang dạo phố cùng gia đình hai bên để chuẩn bị cho những ngày tháng dài sắp tới. Đáng chú ý, tôi thật sự đã muốn nộ khí xung thiên vì bức ảnh chụp riêng nó đứng bên cạnh Uyển My. Hai người nở nụ cười rất tươi nhìn thằng về ống kính, bên cạnh đó, thứ khiến tôi tức nổ đom đóm mắt là việc rất nhiều bình luận của bạn bè nó khẳng định rằng “hai người đẹp đôi quá nha”, rồi thì những ngôn từ ứa gan như kiểu “bao giờ cưới vậy Hải ơi”. Thề có trời có đất, tôi sẽ bóp cổ nó cho đến khi ngất xỉu nếu nó đứng trước mặt tôi lúc này. À không, phải tặng nó vài cú One Inch Punch với cả thêm vài phút nhận Kimura Lock nữa chứ, hức hức, tức quá đi mất thôi.
Nói lại chỗ này một chút, ngay sau khi hai người qua Mỹ, tôi đã phải nhanh tay bỏ chặn thằng Hải trên facebook, vì tôi biết, thằng này rất hay có thói quen khoe khoang về những thứ diễn ra xoay quanh cuộc sống của nó, đặc biệt là nó muốn khoe Uyển My dữ lắm, vì nếu một khi mọi người đã quen với sự có mặt của nàng bên cạnh đó, thì việc hai người đến bên nhau cũng không khiến ai phải bất ngờ cả, à dĩ nhiên là ngoài tôi với ánh mắt tóe lửa ra.
Vậy ra nàng không nghe điện thoại của tôi là vì nàng đang bận, đang bận chuẩn bị cho tương lai sắp tới, chuẩn bị cho những dự án to đùng, những bản hợp đồng béo bở những ánh hào quang đang ngày một bủa vây lấy. Uyển My là lá ngọc cành vàng, là đài các kiêu sa, nàng làm dâu hào môn âu cũng là chuyện hợp tình hợp lý, chỉ là vì trót thương một thằng ăn hại ngu xuẩn như tôi mà giờ nàng lại phải buồn khổ như thế này, rời xa quê hương, rời xa những người bạn mới chỉ để cố gắng vì tôi mà đánh đổi cả tương lai. Tôi nợ Uyển My quá nhiều, đời này làm trâu làm ngựa cũng chẳng thể nào trả hết, chỉ mong nàng sớm trở về bên tôi, vì quả thực cuối cùng thì ngay thời khắc này, tôi đã không thể giữ được nổi tâm trạng vui vẻ, phấn khởi nữa, tôi nhớ em bé Uyển My của tôi quá nhiều rồi, hức hức.
Suốt đêm đó, tôi trằn trọc, thao thức không tài nào ngủ nổi, chỉ mong cho mọi thứ chỉ là một giấc mơ, một cơn ác mộng, để khi mở mắt dậy, Uyển My bé nhỏ vẫn đang nằm cuộn tròn như con mèo con ở bên cạnh tôi, chỉ vậy thôi là đủ rồi. Đêm nay, tôi không tắt chuông điện thoại nữa, nhưng tuyệt nhiên cũng chẳng có cuộc gọi hay tin nhắn nào từ nàng cả, mọi thứ, chỉ là những niềm hy vọng, và rồi chuyển sang hố sâu tuyệt vọng, ngay lập tức.
Tôi tự an ủi mình, rồi Uyển My sẽ sớm hết giận, sẽ sớm liên lạc lại với tôi, và rồi tôi sẽ lại được thỏa sức tâm sự, thỏa sức nói những lời yêu thương gửi đến cô gái xinh đẹp nhất trên cõi đời này, vì dù sao, chúng tôi vẫn còn cả quãng thời gian dài đằng đẵng trước mắt kia mà, nàng mà giận tôi lâu quá, thì quãng thời gian sau ấy biết phải sống làm sao.
Nhưng rồi thì đúng như những gì mà cuộc sống vẫn thường xuyên đối đãi với tôi, lắm lúc, đau nhiều quá cũng phải cảm thấy quen. 1 ngày, rồi 2, 3 và 4 ngày sau đó, Uyển My vẫn tuyệt nhiên không thèm đếm xỉa gì đến sự quan tâm cũng như nỗi niềm đau khổ của tôi trong những ngày đó. Dù rằng tôi thậm chí đã làm đủ mọi cách, đã thức trắng cả đêm để nhắn tin xin lỗi, nhưng nàng vẫn không hề mảy may động lòng. Có đôi lúc, tôi thấy trên màn hình Messenger hiện lên rằng đầu dây bên kia, Uyển My đang gõ gì đó, nhưng rồi thì một lúc sau chờ đợi mòn mỏi, mọi thứ nhận lại vẫn chỉ là con số 0 và lại là nỗi buồn dài đằng đẵng. Trong suốt những ngày này, dù tôi vẫn luôn luôn phải mang theo tâm trạng mệt mỏi, chán chường, nhưng tuyệt nhiên tôi đã không còn là thằng Phong của ngày trước nữa. Tôi không để những vướng bận cá nhân làm ảnh hưởng đến quá trình tích lũy kiến thức cũng như trau dồi điểm số của mình ở trên trường. Tôi vẫn làm bá chủ võ lâm, vẫn một mình một ngựa chiếm trọn cảm tình của các thầy cô giáo cũng như chiếm trọn luôn sổ điểm của họ. Tôi hoàn thành xuất sắc mọi bài tập, bài học được giao, tôi cũng không ngần ngại giúp đỡ bạn bè xung quanh khi gặp những câu hỏi hóc búa. Thành thật mà nói, để đạt được đến cảnh giới này, tôi thực sự đã có sự cố gắng rất rất lớn đấy. Chẳng rõ Uyển My ở nơi xa có hiểu thấu được tấm chân tình của tôi hay không, chỉ là thực sự tôi đang làm tất cả những gì có thể để sớm đạt được ước mơ, sớm được đón nàng trở về bên vòng tay tôi, nhưng sao nàng lại như vậy chứ?
Ở trên trường tôi vẫn là tôi, vẫn là một đứa sinh viên xuất sắc và mẫu mực, thế nhưng về nhà, tôi trở lại thành thằng Phong ủ dột và chán nản của những ngày trước, giống hệt như cái thời điểm Uyển My xa lánh tôi cả tháng trời vậy. Ba mẹ tôi thì giờ đã quá quen với cái bộ mặt đưa đám của tôi, thành ra cũng không ai hỏi han gì, họ đều mặc định chắc là vì tôi nhớ Uyển My quá mà thôi:
– My vẫn giận à Phong? – Không thèm nghe điện thoại luôn dì ơi, hic. – Thôi không sao, đừng lo quá, chắc con bé nó bận việc, từ từ đi, dù sao cũng còn tận 2 năm, rồi cũng sẽ phải gặp những lúc như này thôi.
Tôi biết dì Hạnh cũng từng trải qua cảm giác này, cơ mà sao bà ấy nói cứ như kiểu “mày cứ trải qua đi, dì cũng gặp miết ấy mà, trải qua đi cho quen nha con”. Đúng rồi, chính là cái kiểu nói gạt phắt đi, kiểu là không cần lo đâu, rồi thế nào cũng giống dì thôi:
– Dì đang an ủi con hay đang dọa con vậy? – Tui nói bâng quơ vậy thui, ai trúng đâu thì trúng, hihi. – Tin tối con chở dì ra đường bán sang Tàu không? – Chỉ bắt nạt được tui thôi ra ngoài thì im re – Dì Hạnh bĩu môi…
Hôm nay hai dì cháu lại dậy sớm như mọi ngày, chỉ khác ở chỗ bữa nay tôi được nghỉ, không có tiết học, còn dì Hạnh thì đã ăn mặc đàng hoàng, lịch sự và ăn uống xong xuôi từ lâu lắm rồi. Đến tận hôm nay tôi mới thấy dì Hạnh mặc đồng phục ngân hàng. Nói không phải khen chứ dáng bà dì tôi siêu mẫu cũng có khi phải dè chừng. Cái dáng người mà thiên hạ vẫn hay gọi là vòng nào ra vòng nấy, đường cong chữ S các kiểu, kết hợp với chiếc áo sơ mi công sở, váy đen và áo khoác vest đen bên ngoài nhìn vô cùng lịch sự và thanh tao. Bình thường dì Hạnh búi tóc, nhưng nay bà ấy lại chuyển sang cột kiểu đuôi gà nhìn khá trẻ trung và năng động. Phải công nhận dì Hạnh của tôi da trắng thật, có khi còn trắng hơn cả Uyển My, mỗi lần dì mặc đồ tối thì y như rằng gọi là nổi bần bật giữa đám đông. Tổng quan gương mặt thì cũng không quá xuất chúng, nhưng kết hợp mọi yếu tố vào thì lại đâm ra rất cuốn hút:
– Dì đi đâu mà mặc đồng phục vậy? – Hôm nay lên nhận việc thôi, chắc lên buổi sáng á Phong. – Bình thường dì cũng ăn mặc thế này đi làm à? – Ừm, đồng phục mà – Dì Hạnh ngạc nhiên… – Sao các sếp chịu nổi, chậc chậc – tôi tặc lưỡi trêu… – Nè nè, tui hiểu ý mấy người đó nha, đừng có mà chọc tui à!
Dì Hạnh ngoài miệng dọa nạt là vậy chứ vẫn cười tươi lắm. Mà phải công nhận dì Hạnh có nét cười giống Uyển My thiệt, chẳng lẽ con gái ai cười tít mắt cũng đều giống nhau hay sao ta? Nếu vậy liệu có phải tôi say đắm Uyển My hay là say đắm nụ cười của nàng? Chẳng biết nữa, có lẽ là cả hai, vì nếu nụ cười ấy không xuất phát từ Uyển My, đó sẽ chẳng bao giờ là nụ cười lay động được trái tim tôi:
– Rồi dì đi bằng cái gì, có cần con chở không? – Thôi, dì đi taxi được rồi, Phong ở nhà nghỉ đi. – Nay dì… xinh ghê, hehe. – Khen thật đó hả? – Thật, quá xinh luôn, đi taxi che mặt lại không ông tài xế không thèm nhìn đường đó. – Hihi, xạo quá, thôi tui đi à. – Bai dì, về mua đồ ăn cho con nhé!
Tạm biệt bà dì dễ tính, tôi thay vì lao ra ngoài đường hít thở không khí trong lành của ngày cuối tuần thì lại tót lên phòng sau khi ăn uống no nê. Hôm nay thì như thường lệ ba tôi vẫn có mặt ở công ty, còn mẹ tôi sẽ đi uống café với hội bạn thân cấp 3, thành ra buổi sáng ở nhà chẳng khác nào thiên đường, vì chẳng có ai la mắng, chẳng có ai quát nạt, muốn làm gì thì làm, hoàn toàn không gặp trở ngại. Nếu như là ngày trước, khi chưa có gì vướng mắc tâm can cũng như trí óc, tôi sẽ không ngần ngại mà bật thẳng máy tính mà chơi game qua ngày đoạn tháng. Nhưng rồi, hiện tại, nếu những lúc rảnh rỗi như thế này, tôi không làm chủ được bản thân, không chiến thắng được cái tật ham chơi, thì có lẽ, ước mơ được nắm tay Uyển My lên lễ đường mãi mãi cũng chỉ là mơ ước. Vậy nên, sau một hồi đấu tranh tư tưởng, tôi quyết định thay vì chơi bời cả ngày, tôi lại lôi bài tập 3D mà thầy Hoàng Anh cho ra nghiền ngẫm, nghiên cứu. Gì thì gì, càng phát triển bản thân sớm ngày nào, Uyển My sẽ càng về sớm với tôi ngày đó, tôi tin là vậy. Mấy ngày nay, mặc dù nàng không hề có dấu hiệu ngó ngàng đến tôi, thế nhưng tuyệt nhiên tôi vẫn không quên nhắn tin chúc nàng buổi sáng tốt lành và một giấc ngủ an yên về đêm, dĩ nhiên là tôi nhắn theo giờ Mỹ đàng hoàng, không phải giờ Việt Nam, để chứng tỏ thành ý của mình. Tôi tự trấn an bản thân rằng có lẽ Uyển My chỉ đang im lặng để phần nào đó gọi là… đáp trả cho sự thờ ơ của tôi đối với nàng mấy hôm trước mà thôi, rồi thì khi nào mà nàng cảm thấy tôi thành tâm hối cải, nàng sẽ lại gọi điện và tha thứ cho tôi, tôi tin chắc là thế.
Tôi không biết ở bên kia địa cầu, Uyển My đang làm gì, chỉ hy vọng không có gì bất trắc xảy ra và nàng lúc nào cũng mạnh khỏe, bình an, thế là tôi yên tâm lắm rồi. Chỉ sợ mỗi cái thằng Hải ngựa, lúc nào cũng quanh quẩn bên chân nàng không rời, ngộ nhỡ rơi vào giây phút yếu lòng, Uyển My ngã vào vòng tay của nó chờ sẵn, thế thì mọi thứ mà tôi cố gắng ngày đêm sẽ đổ sông đổ biển hết. Đúng như dì Hạnh nói, yêu xa kiểu này thì chỉ có nhất quyết tin tưởng vào đối phương, ngoài ra chẳng còn thứ gì khác để bám víu. Nếu mình nghĩ mình đã chọn đúng người, hãy cho họ thời gian, tuyệt đối vững tâm, không lay động trước những cám dỗ bên ngoài, rồi sẽ có ngày hái quả ngọt. Cơ mà quả ngọt đâu chưa thấy, mới mấy ngày thôi mà nàng đã giận tôi hai lần rồi, haizzz.
Dù có ngu ngốc cách mấy thì tôi rõ ràng cũng không thể nào quên được hôm nay là ngày 20. 10, Là ngày phụ nữ Việt Nam, vậy nên, tôi đã soạn sẵn vài áng văn chương nảy nở để gửi đến những người con gái, những người phụ nữ quan trọng bên cạnh tôi. Nhưng khi tin nhắn còn chưa xong xuôi, tôi đã nhận được một cuộc gọi đến khá bất ngờ. Nói bất ngờ vì người này không thường xuyên gọi điện trước cho tôi, chỉ chiều ngược lại thì có thể. Dĩ nhiên là với một sự kiện mang tính đột phá như vậy, tôi không thể nào không vội vàng nhấc máy:
– Alo, anh nghe! – Phong, đang ở đâu đó, qua chỗ em chút được không? – Sao vậy? – Có chuyện gấp, cần anh giúp, chạy qua chỗ em liền nha, em nhắn địa chỉ! – Ừ, ừ, anh qua liền, đừng lo, chờ chút…
Nghe giọng điệu ở đầu dây bên kia, tôi không thể mường tượng ra một chuyện cụ thể nào đang xảy ra, chỉ biết người đó đang vô cùng lo lắng và gấp gáp, hy vọng không có chuyện gì nghiêm trọng nữa, tôi đã quá mệt đầu rồi.
Cái chân tôi mới ăn dao, không biết có lành hoàn toàn hay chưa, nhưng có vẻ lại sắp có việc để làm rồi…
Thông tin truyện | |
---|---|
Tên truyện | Mưa và em |
Tác giả | Chưa xác định |
Phân loại | Chưa phân loại, Truyện sex dài tập, Truyện teen |
Ngày cập nhật | 08-07-2024 15:48:03 |